Đạo diễn Mai Hồng Phong: Nếu 'Quỳnh búp bê' là phim điện ảnh thì câu chuyện sẽ còn trực diện hơn nữa!
Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử phim truyền hình Việt Nam có bộ phim dừng phát sóng đột ngột nhưng lại nhận phản ứng trái chiều như Quỳnh búp bê. Bên cạnh ý kiến đồng tình việc phim nên dừng bởi có quá nhiều cảnh bạo lực và nội dung không phù hợp để tìm kênh sóng thích hợp hơn thì phần lớn khán giả đều bày tỏ sự tiếc nuối khi bộ phim đang hấp dẫn lại bị dừng chiếu quá đột ngột. Sự trở lại của Quỳnh búp bêtrên kênh VTV3 từ ngày 3/9 đã giải tỏa sự tiếc nuối của một bộ phận số đông khán giả. Dưới đây là những chia sẻ của đạo diễn Mai Hồng Phong khi 'đứa con tinh thần' của anh đã trở lại.
Làm phim về đề tài nhạy cảm, hẳn anh và đoàn làm phim đã phải chịu nhiều áp lực?
Đó cũng là vấn đề tôi thường trao đổi với các đồng nghiệp. Tôi luôn đặt câu hỏi tại sao những bộ phim hành động của điện ảnh Việt Nam vài năm gần đây không hề thua kém phim Hồng Kông, Mỹ ở những màn võ thuật nhưng vẫn chưa tạo được tiếng vang vượt trội. Sau đó, tôi lại tự giải đáp rằng thực ra những cảnh hành động trong phim của nước ngoài đều có lý của nó, bởi các các nhà làm phim thường quan tâm đến những lý do xuất hiện bạo lực. Ví dụ, họ dùng bạo lực để bảo vệ lẽ phải, chính nghĩa, danh dự hay sự sinh tồn của dân tộc. Còn phim của chúng ta vẫn thiếu sự giải mã những lý do ấy.
Cũng nằm trong triết lý ấy để đưa ra những cảnh nóng hay cảnh bạo lực trong phim Quỳnh búp bê, tôi đã bắt đầu với lý do tại sao Quỳnh bị tra tấn khủng khiếp như vậy. Thực ra, nếu rơi vào cảnh ngộ như Quỳnh thì ai cũng có bản năng muốn được tự do. Quỳnh biết nếu tìm cách bỏ trốn thì sẽ bị trả giá nhưng cô ấy không bao giờ từ bỏ ước mơ đó cả. Tại sao cần bạo lực vì muốn nói tới mặt trái của những tổ chức, cá nhân đang lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tồn tại. Tất nhiên, khán giả có thể phản ứng nhưng sau đó họ sẽ hiểu nó là một phần của bộ phim. Cảnh nóng cũng vậy, đã làm nghề này thì phải biết ai là khách mua dâm và họ mua dâm theo hình thức nào.
Quỳnh búp bê là một đề tài nhạy cảm và khó làm bởi nếu làm không tới thì khán giả sẽ quay lưng, còn làm tới thì sẽ động chạm đến nhiều ranh giới khác nhau. Đây chính là thách thức lớn đặt ra cho chúng tôi. Trong lúc làm, chúng tôi đã quay rất nhiều nhưng khi về dựng phải cân nhắc nên đưa vào phim như thế nào cho hợp lý.
Những tập đầu phim có một số khán giả phản ứng nói rằng chúng tôi lạm dụng bạo lực hoặc cảnh nóng nhưng quả thực không phải vậy. Chúng tôi chỉ muốn đưa người xem chứng kiến một câu chuyện trong động mại dâm thì việc không có bạo lực và tình dục sẽ không ra được thế giới đó. Càng về sau khi nhân vật đã định hình và chấp nhận cuộc sống ở đó và vẫn luôn tìm cách để thoát ra thì chúng tôi sẽ chú trọng vào tâm lý và các mối quan hệ tương tác để phát triển câu chuyện theo một chiều hướng khác. Những tập sau đoạn nào cần có bạo lực hay tình dục vẫn có nhưng phải hợp lý với đường dây câu chuyện.
Đôi khi những phản hồi của khán giả phản ứng trước những hành động bạo lực, những thân phận bị chà đạp như trong phim, theo tôi lại là mặt tích cực bởi đằng sau đó là một dấu hỏi “Tại sao chuyện đó lại có thể tồn tại công khai và ngang nhiên như thế?”. Đây cũng là điều để các nhà quản lý ở từng địa bàn trong xã hội cần phải tìm hiểu với những gì đang xảy ra ngoài xã hội. Như vậy, trong trường hợp ngược lại đây lại là một phản hồi tích cực, từ phản hồi nọ lại ra được trách nhiệm kia.
Anh đã phải cân não thế nào để gia giảm, tiết chế liều lượng cho vừa đủ?
Thực ra điều khiến tôi đau đầu là mình phải làm sao xoáy sâu vào gốc gác của vấn đề lý do xuất hiện những cảnh đánh đập, cảnh nóng như thế nào để đủ thấy sự dã tâm, tàn độc trong đó, để thấy được thân phận tủi nhục, ê chề của các cô gái bán dâm. Chúng tôi chỉ căn cứ vào cảm nhận và nhận thức của chính mình. Cảm nhận đó không phải là Toán học mà do bản lĩnh, trách nhiệm nghề nghiệp.
Cho đến giờ còn điều gì anh muốn thực hiện mà chưa làm được trongQuỳnh búp bê?
Phải nói rằng gần như những mong muốn, dự định của chúng tôi đều được đưa vào phim. Trong một điều kiện nào đó, tôi nghĩ phim truyền hình vốn có những hạn chế nhất định với góc độ những người làm nghề. Chúng ta luôn phải nằm lòng thực hiện sứ mạng ngoài yếu tố giải trí vẫn phải đảm bảo yếu tố định hướng, thúc đẩy xã hội tốt đẹp hơn và tránh những hiệu ứng tiêu cực trong cách nhìn. Vì vậy, nếu Quỳnh búp bê là một phim điện ảnh thì chúng tôi sẽ có cơ hội phát triển câu chuyện trực diện và chân thực hơn nữa.
Từ lâu tôi đã ấp ủ được làm phim điện ảnh và đang đợi cơ hội đó đây.
Hỏi thật anh, sau khi Quỳnh búp bê trở lại, anh có phải sữa chữa hay cắt gọt không?
Kịch bản này đã được chuẩn bị rất kỹ trong nhiều năm, biên kịch đã phải viết đi viết lại nhiều lần và kịch bản phân cảnh của tôi cũng phải sửa đi sửa lại rất nhiều.Với đội ngũ làm phim chuyên nghiệp của VFC khi đọc kịch bản trên giấy là chúng tôi đã hình dung ra diện mạo của bộ phim và đều lường trước được những ý kiến trái chiều nhau. Vì vậy, phần sau của bộ phim đã được viết theo đúng sứ mạng của nó nên chúng tôi không phải chỉnh sửa gì cả. Có chăng dựa vào những phản hồi mang tính xây dựng được phân tích thấu đáo của khán giả, trong lúc làm chúng tôi đã có những tiết chế theo từng chi tiết chứ không hẳn bỏ đi một tình huống nào để bộ phim hài hòa hơn.
Bộ phim đã đóng máy, điều gì còn ấn tượng với anh nhất lúc này?
Trong phim có 4 em bé đóng vai con của Quỳnh ở 4 giai đoạn, trong đó có một em bé mới đẻ. Tôi thực sự cảm động và biết ơn những bà mẹ đã sẵn sàng hy sinh, đứng ngoài nhìn con nhỏ đóng phim mà rơi nước mắt nhưng vẫn đồng ý cho đoàn quay. Tôi ấn tượng với em bé ở giai đoạn thứ 3 khi phải thực hiện một cảnh quay hành động. Đó là cảnh nhân vật ôm đứa bé trên tay trốn chạy và chống trả lại những sự truy đuổi. Hết cảnh bà mẹ của bé lao đến ôm chầm lấy đứa con nhỏ. Ngày hôm sau, bà mẹ có kể lại rằng cả đêm hôm trước con ngủ cứ thỉnh thoảng giật mình, khóc thét lên, có lẽ ảnh hưởng bởi cảnh quay hành động đó.